Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Hồ Tiêu

YÊU CẦU KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH

1. Yêu cầu sinh thái

1.1 Nhiệt độ và ẩm độ

Cây tiêu có khả năng chịu được nhiệt độ thấp nhất 10oC, cao nhất 40oC, phát triển tốt ở nhiệt độ không khí 20-32oC, ẩm độ tương đối trên 70% và nhiệt độ đất ở độ sâu 30cm khoảng 25-28oC.

1.2 Lượng mưa

Cây tiêu cần lượng mưa cao, phân bố đều trong mùa mưa nhưng phải có mùa khô rõ rệt, tổng lượng mưa hàng năm thích hợp cho cây tiêu trong khoảng 1.500 – 2.500mm.

1.3 Ánh sáng và gió

Cây tiêu ưa ánh sáng tán xạ và thích môi trường lặng gió.

1.4 Cao độ

Cây tiêu có thể trồng đến cao độ 1.200m so với mặt nước biển, nhưng phát triển tốt trên đất cao vùng đồng bằng, cao độ dưới 600m.

1.5 Đất trồng

Cây tiêu phát triển tốt trên đất phì nhiêu, giàu hữu cơ, tơi xốp, thoát nước tốt; pH đất thấp nhất 4,5; tốt nhất trong khoảng 5,5-6,5; tầng đất canh tác trên 70cm, tốt nhất trên 1m; đất có độ dốc dưới 10%, tốt nhất 3-5%; mực nước ngầm sâu hơn 2m vào mùa mưa.

2. Giống

Các giống tiêu được trồng phổ biến trong sản xuất ở các tỉnh phía Nam:

2.1 Vĩnh Linh

– Lá có màu xanh đậm, khi đưa lên soi ánh nắng mặt trời thấy loang lổ màu vàng nhạt, đây là đặc điểm riêng biệt để nhận diện giống;

– Chiều dài cành cấp 1 khá dài, trung bình 51cm, gié quả dài trung bình 10cm, tỷ lệ hạt tươi/khô đạt 2,67;

– Cho năng suất cao trong điều kiện thâm canh, ít bị nhiễm bệnh chết nhanh và vàng lá chết chậm.

2.2 Tiêu Trung

– Có nơi gọi là tiêu sẻ Mỡ, lá có màu xanh nhạt, hiện được trồng phổ biến ở Bình Phước, Đăk Nông và Đăk Lăk, giống cho năng suất cao, ít bị dịch hại.

2.3 Tiêu Sẻ

– Lá nhỏ, chiều dài lá trưởng thành trung bình 12,3cm, chiều rộng lá 6,8cm, lá màu xanh nhạt;

– Cành nhỏ và ngắn, chiều dài trung bình 38,4cm; gié quả ngắn, quả nhỏ, tỷ lệ hạt tươi/khô đạt bình quân 3,21;

– Cho năng suất khá ở những vụ thu hoạch đầu trong điều kiện thâm canh;

– Nhược điểm là dễ bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh chết nhanh.